Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động tăng cường kết nối phổ thông trong năm học 2017 – 2018, vào ngày 06 và 08/9, Khoa Vật lí tổ chức các hoạt động trải nghiệm khoa học dành cho học sinh lớp 4 và lớp 8 trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy.

Xuất phát từ yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu trường ĐHSP Hà Nội, Khoa Vật lí đã thiết kế và triển khai chuỗi các hoạt động cụ thể để hỗ trợ các trường phổ thông. Tổ chức Hoạt động giáo dục cho học sinh dựa trên trải nghiệm là hoạt động khởi động, hỗ trợ Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy – ngôi trường gắn với phương châm giáo dục: học đi đôi với hành. Vào ngày 06 và 08 tháng 9, nhà trường đã gửi hai lớp học sinh khối 4 và khối 8 đến Khoa Vật lí, Trường ĐHSP Hà Nội để trải nghiệm các hoạt động khoa học với các thầy cô giảng viên và các anh chị sinh viên của Khoa.

Suốt 3 giờ trải nghiệm, các em học sinh được đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì những màn biểu diễn thí nghiệm hấp dẫn và các nhiệm vụ chế tạo đầy thách thức. Các trạm thí nghiệm, thực nghiệm, thực hành trải đều các lĩnh vực Cơ, Nhiệt, Điện, Quang đem đến những trải nghiệm vật lí sinh động chưa từng thấy với học sinh. Các kiến thức lí thuyết tưởng như khô khan, trừu tượng, sách vở đã được minh họa, kiểm chứng, vận dụng một cách sống động, tựa như có thể “nhìn thấy”, “nghe thấy”, “ngửi thấy”, và “sờ thấy”. Các em học sinh hào hứng tham gia thí nghiệm; sôi nổi thảo luận các hiện tượng, quy luật vật lí ngay từ phút đầu tiên và cảm thấy luyến tiếc khi thời gian trải nghiệm kết thúc: các em phải trở lại trường để chuẩn bị cho giờ học buổi chiều. Với sinh viên khoa Vật lí, đây cũng là các trải nghiệm nghề nghiệp quý giá. Những kiến thức về dạy học mà sinh viên thu hoạch trên giảng đường được vận dụng thực tiễn, và phương pháp dạy học của sinh viên được “cọ sát” với thực tế: là sự hiếu động, là các câu hỏi bất ngờ và là sự phấn khích hồn nhiên của trẻ nhỏ. Dưới đây là hình ảnh những khoảnh khắc trải nghiệm khó quên với học sinh và với chính sinh viên khoa Vật lí.

Đưa tin: Trần Bá Trình

Ảnh: Trần Ngọc Chất

Học sinh được “chạm tới” cầu vồng và hiểu thêm về ánh sáng

Học sinh bất ngờ với xung khí xoáy phát ra từ “súng thần công” hơi nước

Học sinh trải nghiệm cầm “kiếm ánh sáng” như trong phim Star War – thực chất là đèn huỳnh quang đặt gần cuộn tesla đang hoạt động

Học sinh: “Con chưa bao giờ được nhìn thấy tia sét gần đến như vậy!”

Học sinh ngạc nhiên trước hiện tượng: không khí dẫn điện và phát sáng

Học sinh: “Ôi! Có nhiều bụng sóng quá!”

Học sinh: “Oa, đây có phải là con kiến thật không? Sao nó to như con châu chấu vậy?”

Học sinh quan sát mô hình động cơ Stirling từ thời cách mạng công nghiệp 2.0

Học sinh lớp 8 hăng say chế tạo động cơ điện